Tết cổ truyền
quangvunguyen@gmail.com
Một bài viết của Phúc Sàm
11:47:17 25/01/2022
Tết cổ truyền là một không gian văn hóa, tập hợp và là dịp thể hiện rất nhiều những tập tục, sinh hoạt văn hóa mang bản sắc dân tộc, ấy là một trong những yếu tố nhận diện một nền văn hóa.
Những tập tục văn hóa gói trong không gian Tết ấy là sự kết nối giữa quá khứ với tương lai, giữa tổ tiên và con cháu, giữa giá trị bản sắc cổ truyền và tri thức đương đại, của nền tảng và bước đệm cho những hành trình phía trước.
Qua nén hương trước ban thờ ngày Tết, ta đưa tổ tiên, ông bà, cha mẹ, những người đã khuất trở về trong ngôi nhà ấm cúng, nhắc nhở ta lòng biết ơn, sự tri ân sâu sắc. Trong mâm cơm Tết của bánh chưng, dưa hành, con cháu được biết tới những món ăn tinh túy, gửi gắm nhiều triết lý nhân sinh. Qua những sinh hoạt giao tiếp, thăm viếng lẫn nhau, dạy dỗ lớp trẻ về tình họ hàng thân quyến, làng xóm, lòng yêu quý đồng bào, tinh thần dân tộc. Rồi những sinh hoạt văn hóa văn nghệ, tín ngưỡng dân gian, là mang cả kho tàng giá trị tinh thần, nuôi dưỡng bao con dân ấy, mà thấy mình tự giàu có, đầy đủ trước cơn bão biến, xâm lấn của nền văn minh vật chất rỗng tuếch, vô cảm, vô nghĩa!
Tết không đơn thuần là những ngày nghỉ, là tính toán thiệt hơn với giao thương quốc tế, cũng chẳng giúp gì cho giấc mơ hóa rồng hão huyền, để đơn thuần đóng va ly biến khỏi nơi mình sinh ra, cũng không đơn thuần xóa đi mà viết lại bằng thứ văn hóa ngoại lai, của những hành vi sinh hoạt mờ nhạt và lẫn lộn ấy.
Tết là dịp để ở lại, tri ân, yêu thương và tha thứ cho nhau, cùng hướng về điều lành, nghĩa đẹp. Tết là để thắp nén hương cho người, cho lòng mình, tìm đến chân thực một tấm lòng, đủ nhân văn với thiên nhiên, với con người, với toàn thể giời đất.