Giới thiệu về Thiền sư Paramahansa Yogananda
Thiền Tự Giác
Cuộc đời của Thiền sư Paramahansa Yogananda - Cha đẻ của Yoga
22:16:11 17/12/2020
Một người Thầy khả kính
Đã hơn một trăm năm kể từ ngày sinh của Thiền sư Paramahansa Yogananda, vị thầy được cả thế giới yêu quý này đã được công nhận là một trong những sứ giả vĩ đại nhất đã mang ánh sáng trí tuệ cổ đại của Ấn Độ tới phương Tây. Cuộc đời và những lời dạy của ông tiếp tục là nguồn ánh sáng và cảm hứng cho con người, không phân biệt chủng tộc, văn hóa và tín ngưỡng.
Tuổi trẻ và nỗ lực tìm kiếm chân lý tâm linh
Thiền sư Paramahansa Yogananda có tên cúng cơm là Mukunda Lal Ghosh sinh ra vào ngày mùng 5 tháng 1 năm 1893, tại Gorakhpur, Ấn Độ, trong một gia đình Bengali sùng đạo và khá giả. Từ những năm đầu đời, những người xung quanh đã thấy rõ chiều sâu nhận thức và trải nghiệm tâm linh của ông vượt xa người thường.
Cả cha và mẹ của ông đều là đệ tử của Thiền sư Lahiri Mahasaya, bậc thầy nổi tiếng, người có công trong việc hồi sinh Kriya Yoga ở Ấn Độ hiện đại. Khi Yogananda còn là một đứa trẻ sơ sinh trong vòng tay của mẹ, Lahiri Mahasaya đã ban phước cho cậu và báo trước: “Này người mẹ bé nhỏ, con trai của bà sẽ là một yogi. Là một động cơ tâm linh, một cỗ xe lớn chở nhiều linh hồn đến với vương quốc của Tạo hóa màu nhiệm”.
Khi còn trẻ, Mukunda đã tìm kiếm nhiều nhà hiền triết và thánh nhân của Ấn Độ, với hy vọng tìm được một người thầy sáng suốt để hướng dẫn mình trong hành trình tâm linh. Năm 1910, ở tuổi mười bảy, ông đã gặp và trở thành một đệ tử của Thiền sư Swami Sri Yukteswar Giri đáng kính. Ẩn cư cùng bậc thầy yoga vĩ đại này, ông đã dành phần lớn trong mười năm tiếp theo để tiếp nhận kỷ luật tinh thần nghiêm khắc nhưng đầy tình yêu thương của Sri Yukteswar.
Ngay lần gặp gỡ đầu tiên, và nhiều lần sau đó, Sri Yukteswar nói với người đệ tử trẻ rằng anh đã được chọn để truyền bá khoa học cổ xưa về Kriya Yoga ở Mỹ và trên toàn thế giới.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Calcutta năm 1915, Mukunda chính thức phát nguyện làm tu sĩ của tu viện dòng Swami đáng kính của Ấn Độ, lúc đó ông nhận Pháp danh là Yogananda (biểu thị phúc lạc, ananda, thông qua sự kết hợp thần thánh, yoga). Đại nguyện của ông là dâng hiến cuộc đời mình cho tình yêu và phục vụ Tạo hóa màu nhiệm, và nhờ đó mà thành tựu đạo quả.
Bắt đầu sứ mệnh hướng tới Thế Giới
Vào năm 1917, Yogananda bắt đầu sự nghiệp của đời mình bằng việc thành lập một trường học dạy “cách sống” dành cho nam sinh, nơi các phương pháp giáo dục hiện đại được kết hợp với đào tạo yoga và hướng dẫn các lý tưởng tâm linh. Nhà hảo tâm Maharajah vùng Kasim Bazar đã cho phép sử dụng cung điện mùa hè của mình tại Ranchi (khoảng 250 dặm từ Calcutta) làm địa điểm cho nhà trường. Đến thăm trường vài năm sau, lãnh tụ Mahatma Gandhi của Ấn Độ đã viết: “Cơ sở giáo dục này đã gây ấn tượng sâu sắc trong tâm trí tôi.”
Thầy và trò của trường dạy “cách sống” sáng lập bởi Yogananda (bên phải ở giữa) tại Ranchi năm 1918
Một ngày nọ vào năm 1920, khi đang thiền định tại trường Ranchi, Yogananda có một thị kiến thần thánh hiển linh và chỉ cho ông thấy rằng đã tới lúc để bắt đầu công việc truyền bá sang phương Tây. Ông ngay lập tức khởi hành đến Calcutta, nơi ngày hôm sau ông được mời làm đại biểu của Ấn Độ tham dự Đại hội Quốc tế các nhà lãnh đạo tôn giáo được tổ chức vào cuối năm đó tại Boston. Sư phụ của ông là Thiền sư Sri Yukteswar xác nhận rằng thời điểm đã đến và nói với Yogananda: “Mọi cánh cửa đều mở cho con rồi đó. Bây giờ hoặc không bao giờ ”.
Không lâu trước khi khởi hành, Yogananda đã được Thiền sư Mahavatar Babaji, bậc thầy đã chứng đạt sự bất tử, người đã làm hồi sinh khoa học cổ đại Kriya Yoga đến thăm. “Con là người mà ta đã chọn để truyền bá thông điệp của Kriya Yoga tới phương Tây,” Babaji nói với Yogananda. “Cách đây rất lâu, ta đã gặp Yukteswar, sư phụ của con tại Kumbha Mela; ta đã nói là sẽ gửi con đến học Kriya Yoga, kỹ thuật và khoa học về nhận thức Tạo Hóa màu nhiệm, pháp môn này cuối cùng sẽ lan rộng trên mọi miền, và sẽ hỗ trợ hòa hợp mọi quốc gia thông qua nhận thức cá nhân, siêu việt của con người về Tạo Hóa màu nhiệm”.
Tu sĩ trẻ Yogananda đến Boston vào tháng 9 năm 1920. Bài phát biểu đầu tiên của ông, trước Đại hội Quốc tế về Tự do Tôn giáo, với chủ đề “Khoa học Tôn giáo,” và được đón nhận nồng nhiệt. Cùng năm đó, ông thành lập Tự Giác Đoàn để phổ biến trên toàn thế giới những lời dạy của ông về khoa học và triết lý Yoga cổ xưa của Ấn Độ và truyền thống thiền định lâu đời của nước này. Trung tâm thiền Tự Giác Đoàn đầu tiên được thành lập ở Boston với sự giúp đỡ của Tiến sĩ M. W. Lewis và Bà Alice Hasey (Sãi Yogmata), những người sau này đã trở thành đệ tử của Thiền môn Tự Giác.
Một số đại biểu tham dự Đại hội Quốc tế về Tự do Tôn giáo, tháng 10 năm 1920, Boston, Massachusetts, tại đó Yogananda (thứ hai từ phải sang) đã có bài phát biểu đầu tiên của mình ở Mỹ.
Trong nhiều năm tiếp theo, ông thuyết pháp và giảng dạy ở Bờ Đông; và năm 1924 ông bắt đầu một chuyến hành hóa pháp thoại xuyên lục địa. Đến Los Angeles vào đầu năm 1925, ông thành lập ở đó một trụ sở quốc tế cho Tự Giác Đoàn trên đỉnh đồi Washington, nơi sau này trở thành trung tâm hành chính và tâm linh của thiền môn Tự Giác.
Người tiên phong dẫn thiền tới phương Tây
Từ năm 1924 đến năm 1935, Yogananda đã đi hóa duyên và thuyết pháp rộng rãi, nói chuyện tại nhiều khán phòng lớn nhất ở Mỹ - từ Hội trường Carnegie ở New York đến Hội trường Giao hưởng Los Angeles. Tờ Thời báo Los Angeles đưa tin: “Khán phòng Philharmonic thể hiện cảnh tượng phi thường của hàng nghìn người .... phải đứng ngoài không vào được trước buổi diễn thuyết tại hội trường 3000 chỗ đã hết sức chứa.”
Yogananda nhấn mạnh sự thống nhất cơ bản của các tôn giáo lớn trên thế giới và dạy các phương pháp ứng dụng để đạt được trải nghiệm cá nhân và trực tiếp với Tạo hóa màu nhiệm. Với những thiền sinh muốn đi sâu hơn, ông truyền dạy các kỹ thuật đánh thức linh hồn Kriya Yoga, khai tâm cho hơn 100 ngàn thiền sinh cả nam và nữ trong suốt ba mươi năm ở phương Tây.
Trong số những người đã trở thành đệ tử của ông có nhiều nhân vật nổi bật trong khoa học, kinh doanh và nghệ thuật, bao gồm Luther Burbank (nhà thực vật học), Amelita Galli-Curci (nghệ sĩ opera), George Eastman (nhà phát minh ra máy ảnh Kodak), Edwin Markham (nhà thơ), và Leopold Stokowski (nhạc trưởng). Năm 1927, ông được chính thức tiếp đón tại Nhà Trắng bởi Tổng thống Calvin Coolidge, người đã quan tâm đến các báo cáo về hoạt động tâm linh của ông tại Mỹ.
Năm 1929, trong một chuyến đi kéo dài hai tháng đến Mexico, ông đã gieo những hạt giống đầu tiên cho sự phát triển của Thiền Tự Giác ở Mỹ Latinh. Ông đã được chào đón bởi tổng thống Mexico, Tiến sĩ Emilio Portes Gil, người đã ngưỡng mộ các giáo lý của Yogananda suốt đời.
Luther Burbank và Paramahansa Yogananda, năm 1924.
Ngài Emilio Portes Gil, Tổng thống Mê hi cô, và Thiền sư Yogananda, tại Mexico City, năm 1929.
Các Đại Đệ Tử
Vào giữa những năm 1930, Paramahansa cũng đã gặp khá nhiều đệ tử ban đầu, những người giúp ông xây dựng Tự Giác Đoàn ở phương Tây và thực hiện sứ mệnh truyền y bát Kriya Yoga sau khi ông kết thúc cuộc đời ở cõi trần - trong đó có hai người mà ông chỉ định làm những người kế tục tinh thần với tư cách là chủ tịch của Tự Giác Đoàn: Rajarsi Janakananda (James J. Lynn), người đã gặp Thiền sư ở Kansas City vào năm 1932; và Sri Daya Mata, người đã tham gia các lớp học của Thiền sư ở Salt Lake City vào năm trước.
Paramahansa Yogananda với Sãi Sri Daya Mata tại Đạo tràng Ẩn Cư Encinitas, năm 1939
Paramahansa Yogananda và James J. Lynn, sau này được gọi là Thiền sư Sri Rajarsi Janakananda, Trung tâm Tự Giác Đoàn Quốc Tế, Los Angeles, năm 1933.
Các đệ tử khác đã tham dự các chương trình pháp thoại của ông trong những năm 1920 và thập niên 30 và đã cống hiến cuộc đời mình cho Tự Giác Đoàn là Tiến sĩ M. W. Lewis, người đã gặp Thiền sư ở Boston vào năm 1920; Gyanamata (Seattle, 1924); Tara Mata (San Francisco, 1924); Durga Mata (Detroit, 1929); Ananda Mata (Salt Lake City, 1931); Sraddha Mata (Tacoma, 1933); và Sailasuta Mata (Santa Barbara, 1933).
Từ đó, nhiều năm sau khi Yogananda qua đời, và cho đến ngày nay, Tự Giác Đoàn đã được tiếp truyền bởi các đệ tử lớn, những người được chân truyền y bát tâm linh từ chính Thiền sư Paramahansa Yogananda.
Các pháp thoại và lớp dạy của Yogananda trong những năm đầu tiên được ghi lại nhưng không liên tục. Tuy nhiên, khi Sãi Daya Mata (người sau này trở thành chủ tịch của Tự Giác Đoàn toàn cầu) gia nhập vào đạo tràng vào năm 1931, bà đã thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng là ghi lại trung thực hàng trăm bài giảng, lớp học và pháp thoại của Yogananda để trí tuệ và nguồn cảm hứng của Thiền sư có thể được lưu giữ trong sức mạnh và sự tinh khiết ban đầu, tri thức và giáo lý tổng hợp này sau đó được xuất bản bởi Tự Giác Đoàn để lưu truyền cho các thế hệ thiền sinh đời sau.
Trở về Ấn Độ
Năm 1935, Yogananda trở lại Ấn Độ để thăm lần cuối cùng với vị đạo sư vĩ đại của mình. (Thiền sư Yukteswar qua đời ngày 9 tháng 3 năm 1936.) Đi bằng tàu và ô tô qua châu Âu, Palestine và Ai Cập, cuối cùng ông tới được Bombay vào mùa hè năm 1935.
Thiền sư Yukteswar và Yogananda tại Calcutta năm 1935
Trong chuyến lưu trú kéo dài một năm của Yogananda tại quê hương của mình, ông đã tổ chức các lớp học và khai tâm Kriya Yoga ở các thành phố trên khắp tiểu lục địa. Ông cũng gặp gỡ lãnh tụ Mahatma Gandhi, người đã xin Thiền sư cho nhập môn và truyền y bát Kriya Yoga; nhà vật lý đoạt giải Nobel Sir C. V. Raman; và một số nhân vật tâm linh nổi tiếng nhất của Ấn Độ, bao gồm Ramana Maharshi và Anandamoyi Ma.
Chính trong năm này, Sri Yukteswar đã ban tặng cho ông danh hiệu tâm linh cao nhất của Ấn Độ, Paramahansa. Theo nghĩa đen là “thiên nga tối cao” (một biểu tượng tâm linh), danh hiệu biểu thị một người được thiết lập trong trạng thái kết hợp tối cao với Tạo hóa màu nhiệm.
Thiền sư Yogananda và Mahatma Gandhi tại Wardha, năm 1935.
Khi ở Ấn Độ, Yogananda đã xây dựng nền móng cho Thiền Môn Tự Giác bằng việc sáng lập ra Hiệp hội Yogoda Satsanga Ấn Độ. Từ trụ sở chính (bên dưới) ở Dakshineswar (trên sông Hằng gần Kolkata) và đạo tràng ban đầu ở Ranchi, Hiệp hội tiếp tục phát triển mạnh mẽ cho đến ngày nay - với các trường học, đạo tràng, trung tâm thiền và các hoạt động từ thiện trên khắp tiểu lục địa.
Cuối năm 1936, ông trở lại Mỹ, nơi ông ở lại cho đến cuối đời.
Tạo dựng nền móng tâm linh
Trong những năm 1930, Paramahansa Yogananda bắt đầu thôi không thuyết pháp để cống hiến hết mình cho các tác phẩm mang thông điệp của ông tới các thế hệ tương lai, và xây dựng nền tảng lâu dài cho sứ mệnh tâm linh và nhân đạo của hai tổ chức: Tự Giác Đoàn và Hiệp Hội Yogoda Satsanga. Dưới sự chỉ đạo của ông, các hướng dẫn và chỉ dẫn trực tiếp cho các thiền sinh đã được sắp xếp thành một chuỗi 18 bài Tự Lực Giác Ngộ để các thiền sinh tại gia có thể hoàn toàn tự luyện tập, tự tu, tự chứng, tự Giác Ngộ.
Một ẩn thất tuyệt đẹp nhìn ra Thái Bình Dương tại Encinitas, California, đã được xây dựng cho Thiền sư trong thời gian ông vắng mặt vì đi về Ấn Độ. Ẩn thất này được xây dựng bởi người đại đệ tử yêu quý của ông là Rajarsi Janakananda. Tại đây, Thiền sư đã dành nhiều năm để viết tự truyện và các tác phẩm khác của mình, và bắt đầu các chương trình Khóa Tu Tự Giác Đoàn tiếp tục cho đến ngày nay.
Ông cũng thành lập một số đền thờ Tự Giác Đoàn (tại Encinitas, Hollywood và San Diego), thường xuyên thuyết pháp với những thiền sinh, đệ tử, thành viên của Tự Giác Đoàn về các chủ đề tâm linh khác nhau. Nhiều bài nói trong số này đã được Sãi Daya Mata ghi lại bằng văn bản, đã được Tự Giáo Đoàn xuất bản trong ba tập Tuyển Tập Pháp Thoại và Pháp Luận của Thiền sư Yogananda và trên tạp chí Tự Giác.
Câu chuyện cuộc đời của Yogananda, Tự truyện của một Yogi, được xuất bản vào năm 1946 (nội dung được mở rộng thêm trong các lần tái bản). Là cuốn sách bán chạy trong nhiều năm, cuốn sách này đã được tái bản liên tục kể từ lần đầu tiên xuất hiện và đã được dịch ra nhiều thứ tiếng, được coi là một Điển cố Tâm Linh nổi bật trong thời hiện đại.
Vào năm 1950, Paramahansa đã cho tổ chức Hội nghị Tự Giác Đoàn Thế giới đầu tiên tại trụ sở quốc tế ở Los Angeles - một sự kiện kéo dài một tuần mà ngày nay thu hút hàng nghìn người từ khắp nơi trên thế giới tham gia. Ông cũng dành riêng Đền thờ Tự Giác Đoàn tại Lake Shrine tuyệt đẹp ở Pacific Palisades, nơi cất giữ một phần tro cốt của Mahatma Gandhi trong khu Thiền Uyển bên hồ rộng 10 mẫu, từ đó đã trở thành một trong những địa danh tâm linh nổi bật nhất của California.
Những năm cuối trước khi Chứng nhập Đại Niết Bàn
Những năm cuối đời, Thiền sư Paramahansa Yogananda chủ yếu sống ẩn cư, khi thì tích cực để hoàn thành các tác phẩm của mình - bao gồm các bài luận về Bhagavad Gita và những lời dạy của Chúa Giê-su Ki tô trong bốn sách Phúc âm, và các bản sửa đổi của các tác phẩm trước đó như Lời thì thầm từ cõi vĩnh hằng và 18 bài Thiền Tự Giác. Ông cũng dành nhiều thời gian truyền dạy với Sãi Daya Mata, Sãi Mrinalini Mata, và một số đệ tử thân cận nhất của ông, hướng dẫn về mặt tinh thần và tổ chức để họ tiếp tục công việc của ông trên toàn thế giới sau khi ông qua đời.
Ông đã nói với họ:
“Cơ thể ta sẽ ra đi nhưng công việc của ta sẽ còn tiếp tục. Và tinh thần của ta là bất tử. Ngay cả khi ta đã ra đi, ta sẽ vẫn làm việc với tất cả các con để giải cứu thế giới bằng thông điệp của Tạo hóa màu nhiệm”
“Những ai đến với Tự Giác Đoàn mà thực sự tìm kiếm sự giúp đỡ tinh thần hướng nội sẽ nhận được những gì họ tìm kiếm từ Tạo Hóa. Cho dù họ đến khi ta còn ở trong nhục thân hay khi đã hóa thân, sức mạnh của Tạo hóa hiển linh qua các bậc Đạo sư, thiền sư của Pháp môn Tự Giác sẽ tới vào những người thực tâm cầu Đạo, và sẽ là nguyên nhân cứu rỗi họ .... Thiền sư Babaji luôn sống đã hứa sẽ bảo vệ và hướng dẫn sự tiến bộ của tất cả các thiền sinh tự giác và chân thành. Thiền sư Lahiri Mahasaya và Thiền sư Sri Yukteswar, những bậc đạo sư đã rời bỏ nhục thân, và bản thân ta, ngay cả khi đã rời bỏ nhục thân - tất cả sẽ luôn bảo vệ và hướng dẫn những thành viên chân thành của Tự Giác Đoàn”.
Vào ngày 7 tháng 3 năm 1952, đạo sư vĩ đại Yogananda đã nhập Đại Niết Bàn, với một luồng đạo quang phát chiếu khỏi nhục thân, sau khi kết thúc bài phát biểu ngắn tại bữa tiệc vinh danh đại sứ của Ấn Độ tại Hoa Kỳ, Tiến sĩ Binay R. Sen, tại khách sạn Biltmore ở Los Angeles. Sự ra đi của ông được đánh dấu bằng một hiện tượng phi thường. Một bản công bố có công chứng được ký bởi Giám đốc Forest Lawn Memorial ‑ Park đã làm chứng: "Không có sự phân hủy thể chất nào trên cơ thể của Thiền sư hai mươi ngày sau khi chết .... Tình trạng bảo quản hoàn hảo của thi thể này, cho đến nay chưa từng được biết bởi khoa học .... Cơ thể của Yogananda dường như ở trong trạng thái bất biến phi thường."
Trong những năm trước, Sư phụ của Thiền sư Paramahansa Yogananda là Thiền sư Swami Sri Yukteswar, đã coi ông như một hóa thân của tình yêu thương màu nhiệm. Sau này, đệ tử và người kế tục y bát đầu tiên của ông, Rajarsi Janakananda, đã ban tặng ông danh hiệu Premavatar hay “Hóa thân của Tình yêu thiêng liêng”.
"Lý tưởng tình yêu Tạo Hóa và phục vụ nhân loại đã được thể hiện đầy đủ trong cuộc đời của Paramahansa Yogananda .... Mặc dù phần lớn cuộc đời của ngài trải qua bên ngoài Ấn Độ, ngài vẫn chiếm vị trí của mình trong số các vị thánh vĩ đại của chúng ta. Công việc của Ngài tiếp tục phát triển và tỏa sáng hơn bao giờ hết, lôi cuốn mọi người khắp nơi trên con đường hành hương trở về Kiến Tánh. Vào năm 2017, Thủ tướng Chính phủ Ấn Độ Sri Narendra Modi đã bày tỏ lòng kính trọng tới Paramahansa trong một buổi lễ đặc biệt ở New Delhi vào ngày 7 tháng 3 năm 2017, trong đó Chính phủ Ấn Độ đã phát hành một con tem bưu chính mới để kỷ niệm 100 năm thành lập Hiệp Hội Yogoda Satsanga. Ngày này sau đó được chọn để tôn vinh và kỷ niệm sự kiện Paramahansa nhập Đại Niết Bàn.
Trong bài phát biểu đầy cảm hứng của mình, Thủ tướng đã đánh giá cao Paramahansa là một trong những Thiền sư và Đạo sư vĩ đại nhất của Ấn Độ - người có cuộc đời và công việc đã chứng minh cho thế giới giá trị to lớn của tinh thần Ấn Độ - và ca ngợi Tự Giác Đoàn đã duy trì thành công di sản và tinh thần của người sáng lập trong việc chia sẻ Di sản cổ đại của Ấn Độ trong thế giới hiện đại.
Năm 2014, một bộ phim tài liệu từng đoạt giải thưởng về cuộc đời và sự nghiệp của Paramahansa Yogananda, Tỉnh Thức : Cuộc Đời của Yogananda, đã được công chiếu tại các rạp và kể từ đó đã được công chiếu cho khán giả hâm mộ trên toàn thế giới.
Tự truyện của một Yogi
là một trong những tác phẩm kinh điển về tâm linh được hoan nghênh nhất thế giới.
Như câu chuyện cuộc đời của Paramahansa Yogananda - người thường được gọi là Cha đẻ của Yoga ở phương Tây - cuốn sách này đã chạm đến trái tim và khối óc của hàng triệu người trên toàn cầu. Được dịch ra hơn năm mươi ngôn ngữ, nó đã đóng vai trò như một đại sứ cho khoa học Yoga cổ đại của Ấn Độ, giới thiệu cho vô số độc giả những phương pháp đạt được sự nhận thức về Tạo Hóa màu nhiệm, đóng góp độc đáo và lâu dài của Ấn Độ cho nền văn minh thế giới.
Được ca ngợi là một kiệt tác ngay từ lần đầu xuất hiện trên bản in vào năm 1946, cuốn sách đã được vinh danh vào năm 1999 là một trong “100 cuốn sách tâm linh hay nhất thế kỷ”. Ngày nay, câu chuyện về một cuộc đời vĩ đại của Yogananda tiếp tục thành công trong việc mở ra cho công chúng một lĩnh vực tri thức tâm linh giải thoát mà trước đây chỉ một số ít người có thể tiếp cận được.